Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi là sự đóng góp sức người, sức của của toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo đảm tốt hậu cần, cung cấp lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội ngoài mặt trận.
Khi hạ quyết tâm chiến lược tiến công tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, một khó khăn đặt ra với quân ta là vấn đề cung cấp, tiếp tế lương thực và đạn dược bảo đảm cho bộ đội chiến đấu trong thời gian dài. Với tinh thần “tất cả cho Điện Biên Phủ”, lực lượng dân công không quản ngày đêm, đồng tâm dốc sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, khi bộ đội và pháo vào tới trận địa bao vây tiến công ở xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ thì đạn, gạo cũng đã có đủ để bộ đội sẵn sàng nổ súng khi có lệnh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ của dân công đã chiếm 1/3 trọng tải cần vận chuyển trong chiến dịch. Xe đạp thồ được huy động tới mức tối đa, số lượng lên tới 20.000 xe. Mỗi xe lúc đầu chở 100kg, sau đó nâng lên 200kg, 300kg. Hàng ngàn nữ dân công dũng cảm của các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai, Lai Châu đã đóng trên bè nứa và dùng thuyền độc mộc đưa gạo về thị xã Lai Châu, đề từ đó hàng ngàn ngựa thồ, xe đạp thồ chuyển về Điện Biên Phủ.
Hình 1: Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đã có nhiều tấm gương điển hình về dân công trên các lĩnh vực như: chiến sĩ gánh bộ Hoàng Văn Duy vác bao 90kg, dân công Nguyễn Văn Thành vác 100kg. Chiến sĩ xe đạp thồ Cao Ty (Thanh Hóa) thồ được 320kg. Chiến sĩ bốc vác Chu Thị Mỳ, Nguyễn Thị Chất thuộc đại đội dân công Vĩnh Phúc, vận chuyển hàng hóa lên xe hết 4 phút với trọng tải 4,2 – 4,4 tấn một xe,…
Hình 2: Dân công Cao Bắc Lạng vận chuyển lương thực trong Chiến dịch
Hình 3: Chiến sỹ Lương Văn Soi vác hòm vũ khí nặng gần 100kg
Hình 4: Vượt ngầm (đoạn đường qua Mường Ảng – Điện Biên Phủ) vận chuyển vũ khí vào trận địa
Hình 5: Vượt thác ghềnh tải vũ khí, lương thực ra chiến trường
Hình 6: Dùng mảng vượt sông đưa hàng lên Điện Biên Phủ